Du học là cả một quá trình và hành trình gắn liền giữa suy nghĩ và hành động, ước mơ và thực tế. Vì thế, để thực hiện thành công giấc mơ chinh phục đỉnh cao tri thức bạn phải có kế hoạch du học càng chi tiết càng tốt. Dưới đây, là những điều cần nên có khi lập kế hoạch du học!
1. Biết mình muốn gì?
Chẳng ai sẵn sàng dành hàng mấy tháng trời đằng đẵng dể chuẩn bị cho một chuyến đi kéo dài vài năm trời mà không có ít nhiều sự thiết tha trong đó. Nói không ngoa, một kế hoạch du học thành công cần phải khởi nguồn từ niềm yêu thích của chính bạn. Hãy bình tĩnh ngồi xuống tìm hiểu xem bạn thực sự muốn trở thành ai, làm cái gì trong đời? Liệu những môn học nào sẽ khiến bản thân bạn thích thú? Khả năng tài chính của gia đình hay giá trị học bổng có thể chi trả cho quãng thời gian du học? Điểm đến nào bạn rất muốn đặt chân đến? Khi nào thì bạn sẵn sàng cho chuyến đi…
Những câu hỏi này cần được trả lời một cách tỉ mỉ. Chọn đi du học ngành Truyền thông, nhưng thiên hướng của mình là Qụảng cáo hay Quan hệ báo chí, những công việc mà tấm bằng đó có thể mang lại là gì? Sau này về Việt Nam, với tấm bằng đó, bạn có thể đầu quân vào những công ty nào… là những vấn đề bạn cần đặt ra để cân nhắc và quyết định. Khi đã có mục đích cụ thể, bạn sẽ biết cần phải xử lý những “rào cản”, điều kiện nào, theo thứ tự ra sao.
2. Tìm kiếm, so sánh
Trên thế giới có rất nhiều khóa học được để xuất bởi nhiều trường đại học tại nhiều điểm đến khác nhau. Có thể ngay cùng một thành phố nhưng hai trường đại học đã có những cách tiếp cận khác nhau. Cho nên, để có thể đưa ra được lựa chọn chính xác, bạn phải xác định mình thực sự muốn điều gì (bước 1) để khoanh vùng chính xác. Bạn có thể sử dụng các nguồn tin như website du học, chia sẻ của sinh viên đi trước, sách báo và quan trọng nhất là website chính thức của trường để lọc ra cho mình những phương án thích hợp. Bạn có thể tự tạo ra một danh sách các trường tiềm năng rồi chấm điểm các trường theo từng tiêu chí của bản thân, chẳng hạn, học phí, địa điểm, tiện ích, nội dung khóa học, tỷ lệ phần trăm kiếm được việc làm sau khi ra trựờng…
Có một điều bạn nên lưu ý là nên tham khảo các thông tin về thủ tục xin visa, xin học bổng,…từ các công ty tư vấn du học một cách có chọn lọc.
3. Chuẩn bị thủ tục
Bất cứ chuyến du học nào cũng phải qua giai đoạn hứa hẹn nhiều rắc rối này. Khi đã có được mục tiêu đề ra, bạn cần tìm hiểu thông tin về các thủ tục giấy tờ cần thiết. Những giấy tờ quan trọng gồm có chứng chỉ ngoại ngữ, bằng cấp học tập, các loại thư tiến cử và bày tỏ nguyện vọng, CV và résumé, giấy tờ cá nhân ( Giấy khai sinh, Chứng minh nhân dân, Hộ khẩu) dịch và công chứng, rồi cả Giấy khám sức khỏe, Giấy chứng minh tài chính. Có những giấy tờ bạn không sẵn có nên quá trình này cần được chuẩn bị có tuần tự trước sau, đảm bảo kịp thời hạn đăng ký.
Ở mỗi quốc gia sẽ có những kỳ hạn đăng ký cụ thể thông qua các cơ quan có thầm quyền. Điển hình như sinh viên Vương quốc Anh phải đăng ký qua hệ thống UCAS, nước Pháp thì yêu cầu sinh viên đăng ký qua Campusfrance. Trên những hệ thống này, bạn sẽ được tạo một tài khoản cá nhân với đẩy đủ thông tin về bản thân, ô trình bày thành tích học tập, nguyện vọng du học, hoạch định tương lai… Quan trọng nhất là hệ thống còn cho phép bạn lựa chọn và tuyển sinh trực tiếp đến các trường đại học. Tất nhiên có một số trường hay quy trình sẽ yêu cầu bạn phải nộp hồ sơ trực tiếp, nhưng đó là những trường hợp ngoại lệ.
Trong quá trình chuẩn bị, nếu không thể tìm thấy thông tin mình muốn, bạn hãy mạnh dạn gửi thắc mắc tới nhà trường. Sinh viên Việt Nam khá e dè với phương án này nhưng đây lại chính là những người có thể cho bạn chỉ dẫn chính xác, hữu dụng nhất. Thắc mắc ở khâu nào, liên hệ đúng cơ quan đó để được tháo gỡ.