Thực trạng nguồn nhân lực Việt Nam

0
895

Gần đây, một số tổ chức(1), chuyên gia(2) quốc tế có uy tín đưa ra những phân tích, đánh giá về thực trạng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay với một số nhận định sau:

Về mặt thuận lợi: (i) Việt Nam có quy mô dân số lớn (khoảng hơn 90 triệu dân, xếp thứ 13 thế giới, thứ 3 Đông Nam Á), tốc độ tăng trưởng cao (tỷ lệ tăng dân số cơ học của Việt Nam mỗi năm tương đương một tỉnh), cơ cấu dân số thuận lợi (hơn 60% trong độ tuổi lao động) để hình thành nguồn nhân lực phát triển kinh tế – xã hội; (ii) Lao động Việt Nam có truyền thống cần cù, chịu khó, chi phí nhân công vẫn ở mức hợp lý so với các nước trong khu vực (Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore…); (iii) Đội ngũ cán bộ khoa học – công nghệ ngày càng được tăng cường về số lượng, bước đầu đã tiếp cận được nhiều tiến bộ khoa học – công nghệ hiện đại.

Tuy nhiên, các chỉ số phát triển nguồn nhân lực để đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam còn chưa cao, cụ thể: (i)Chất lượng chung của nguồn nhân lực vẫn ở mức thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới: Chất lượng và chỉ số cạnh tranh nguồn nhân lực chỉ đạt lần lượt là 3,79/10 điểm (xếp thứ 11/12 nước Châu Á theo bảng xếp hạng của WB); tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo nghề chiếm gần 85% (thành thị 70%, nông thôn 91%); đa số doanh nghiệp sử dụng lao động (82% – WB) chưa hài lòng về chất lượng lao động, nhất là kỹ năng làm việc của người lao động. (ii)Cơ cấu phân bố lao động theo ngành nghề mất cân đối: Tỷ lệ lao động làm việc cho các ngành cần tăng tốc phát triển giai đoạn 2011 – 2020 phục vụ công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước như: Công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ, y tế, giáo dục – đào tạo…chỉ chiếm xấp xỉ 1% mỗi ngành, trong khi có tới 47,4% lao động làm việc trong khu nông – lâm – ngư nghiệp hoặc lao động giản đơn; (iii) Cơ cấu đào tạp nguồn nhân lực không hợp lý: Tỷ lệ đào tạo đại học, cao đẳng so với trung cấp, công nhân kỹ thuật nghề là 7/3 dẫn tới thực trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Sinh viên ra trường khó tìm được việc làm phù hợp, thiếu kỹ năng hòa nhập, làm việc nhóm, giao tiếp với nước ngoài, ứng dụng công nghệ thông tin…; (iv) Việt Nam xuất khẩu lao động phổ thông giản đơn, nhập khẩu lao động có trình độ, tay nghề cao: Hiện có khoảng 400.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài trong hơn 30 nhóm nghề khác nhau, nhưng đa số là lao động giản đơn, trong khi phải nhập khẩu nguồn lao động có trình độ từ nước ngoài để làm các công việc mà lao động Việt Nam không thể đảm nhận.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do: (i) Công tác giáo dục – đào tạo của Việt nam chưa theo kịp nhu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; việc thực hiện nhiều mục tiêu đề ra trong “Chiến lược phát triển nhân lực thời kỳ 2011-2020” còn chậm, chưa theo kịp thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội đất nước; hệ thống giáo dục – đào tạo chưa có cải cách đáng kể, thiếu liên kết hữu cơ với nhu cầu thị trường, dẫn đến cơ cấu lao động phân bố theo ngành nghề chưa hợp lý; (ii) Chất lượng giáo dục – đào tạo nhìn chung còn hạn chế, nội dung chưa gắn nhiều với thực tiễn sản xuất, nhu cầu của doanh nghiệp sử dụng lao động, xem nhẹ các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng lao động tự chủ, sáng tạo; đội ngũ làm công tác giáo dục – đào tạo còn thiếu về số lượng (trên 50% tổng số trường chưa đảm bảo tỷ lệ giảng viên/sinh viên theo quy định), chưa đảm bảo chất lượng (chỉ có 14% giảng viên có trình độ từ tiến sỹ trở lên, 35% có trình độ thạc sỹ); (iii) Chính sách thu hút, quản lý, sử dụng, đãi ngộ nhân tài chưa hoàn thiện, thiếu sức cạnh tranh: Mặc dù các Bộ, ngành, địa phương đã và đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp thu hút, quản lý, sử dụng, đãi ngộ nhân tài nhưng môi trường, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ, thu nhập… chưa thực sự hấp dẫn, kết quả thu hút nguồn nhân lực có kỹ năng trình độ cáo còn hạn chế.

[1] Phòng Thương mại châu Âu EuroCham; Phòng Thương mại Mỹ AmCham; Ngân hàng Thế giới WB; Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP…

[2]