Từ năm 1991 đến năm 2000 số người lao động có việc làm trong đó có TN tăng từ khoảng 30,9 triệu người lên 40,6 triệu người, tăng 32,2%, bình quân hàng năm tăng khoảng 2,95% tương đương với khoảng 1,2 triệu người có việc làm mới.
Giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2005, trung bình mỗi năm cả nước tạo việc làm cho hơn 1,5 triệu lao động, trong đó lao động là thanh niên chiếm khoảng 70%. Thông qua các chương trình kinh tế – xã hội đã giải quyết việc làm cho khoảng 3- 4 triệu lao động, qua quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho 1,7 triệu người.
Riêng năm 2006, cả nước đã tạo việc làm cho 1,572 triệu người, xuất khẩu lao động và chuyên gia là 78.855 người chủ yếu là thanh niên. Hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm đã tư vấn việc làm cho trên 45 vạn lượt người, trong đó giới thiệu việc làm và cung ứng lao động trên 9 vạn người, đã tổ chức hội chợ việc làm ở 40 tỉnh, thành phố với trên 50 ngàn lượt người tham gia.
Tỷ lệ thiếu việc làm đối với TN có chiều hướng giảm, đặc biệt ở khu vực nông thôn: năm 1997 tỷ lệ TN thiếu việc làm là 29,4%; đến năm 2001 tỷ lệ TN thiếu việc làm giảm còn 27,6%. TN nông thôn có khoảng 20 triệu người, chiếm 75% số TN cả nước và 34% dân số nông thôn. Trong khi lực lượng lao động trẻ tăng nhẹ thì lực lượng lao động là TN nông thôn giảm mạnh.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo hàng năm tăng lên, cụ thể như số lượng TN là Công nhân, TN viên chức, TN là tri thức đều tăng lên:
+ Số TN học đại học cao đẳng sau một chu kỳ 5 năm (từ 1995 đến 2000) tăng 2,5 lần (Nguồn: Trung tâm thông tin quản lý giáo dục, bộ GD – ĐT).
+ TN công nhân: Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam năm 2002, số lượng TN công nhân là 2,55 triệu người.
+ TN viên chức: Hiện nay cả nước có khoảng1,3 triệu cán bộ công chức, trong đó TN chiếm 25% (khoảng 400.000 người).
+ TN là trí thức trẻ: Cả nước có hơn 500.000 trí thức trẻ, chiếm 35,3% tổng số tri thức và 2% số TN.
Cơ cấu lao động TN chuyển dịch mạnh , lao động TN tăng lên trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, xây dựng, còn các ngành nông – lâm – ngư nghiệp giảm dần và thu nhập của TN ngày càng tăng lên.
Đó là những tín hiệu đáng mừng trong tiến trình CNH, HĐH đất nước.
* Những tồn tại:
Tuy đã đạt được những thành tựu khá lớn trong việc giải quyết việc làm cho người lao động nói chung và TN nói riêng, song bên cạnh đó còn những tồn tại cần khắc phục để giải quyết tốt vấn đề việc làm và tăng thu nhập cho TN như sau:
– Thị trường lao động hiện phát triển không đồng đều giữa các vùng, địa phương; hệ thống thông tin thị trường lao động chưa hoàn thiện; các trung tâm giới thiệu việc làm chưa đáp ứng được yêu cầu; chất lượng lao động qua đào tạo còn thấp, chưa gắn kết giữa đào tạo và sử dụng lao động… đã tác động trực tiếp đến vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên.
– TN luôn chiếm tỷ lệ cao trong số lao động thất nghiệp ở cả khu vực nông thôn và thành thị. ở thành thị tỷ lệ thất nghiệp năm 2006 là 5,1% trong đó có một số thành phố lớn tỷ lệ khá cao (Hà Nội gần 6%, thành phố Hồ Chí Minh trên 6%). ở nông thôn vùng có tỷ lệ TN thiếu việc làm cao là: Đồng bằng Sông Hồng 37,8%, Bắc Trung Bộ: 33,6%. Năm 2004: Thất nghiệp thuộc nhóm tuổi 15 – 24 chiếm 49,5%, nhóm tuổi 25 – 34 tuổi chiếm 25,4% trong tổng số người thất nghiệp cả nước (Nguồn tổng quan tình hình TN công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi 2004).
Tình trạng thất nghiệp đối với TN thành thị và thiếu việc làm đối với TN nông thôn vẫn không giảm sau nhiều năm đổi mới.