Sự cần thiết của hoạt động xuất khẩu lao động tại Việt Nam xuất phát từ Xuất phát từ vấn đề dân số và giải quyết việc làm

0
934

Sự gia tăng dân số, lao động ở Việt Nam là yêu cầu bức xúc phải phát triển xuất khẩu lao động. Sự phát triển dân số, lao động đối với Việt Nam hiện nay là một trong những vấn đề kinh tế, xã hội phức tạp và gay gắt chẳng những trong giai đoạn hiện nay mà còn trong những năm tới. Trong dân số có lực lượng lao động – yếu tố quyết định của sản xuất, đồng thời dân số lại là lực lượng tiêu dùng của cải vật chất và tinh thần của xã hội. Mối quan hệ này được cụ thể hoá thành quan hệ giữa dân số và phát triển là nội dung quan trọng của chiến lược kinh tế xã hội.

        Với tốc độ tăng dân số ở mức trên dưới 2% như hiện nay tạo nên áp lực đối với đời sống và việc làm. Hàng năm, Việt Nam phải tạo ra hơn 1 triệu việc làm mới, khoảng gần 8 triệu lao động thiếu việc làm, hàng chục vạn bộ đội phục viên, lao động dôi dư ở khu vực Nhà nước… Trong những năm qua, nhờ chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, nền kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu đáng kể, trong đó có việc giải quyết việc làm trong nước; tuy nhiên so với số lượng lao động cần giải quyết việc làm hàng năm cũng chỉ đạt 35% nhu cầu. Chính vì vậy, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp vô cùng quan trọng, không chỉ trước mắt mà còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài.

        Nhu cầu việc làm càng ngày càng lớn mà khả năng giải quyết còn rất hạn chế trong khi tiềm năng phát triển kinh tế, tạo việc làm lớn song lại chưa được khai thác và phát huy, chưa gắn được lao động với tiềm năng đất đai và tài nguyên.

Mâu thuẫn giữa lao động và việc làm càng gay gắt khi đổi mới cơ cấu kinh tế, tổ chức lại lao động cho phù hợp với cơ cấu mới của nền kinh tế tất yếu dẫn đến việc đẩy lao động tách khỏi việc làm cho một bộ phận lớn lao động trở nên dư thừa, trước hết ở khu vực Nhà nước, các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp… Trong các năm qua, lao động khu vực Nhà nước dư thừa khoảng 30%-50%, tương đương 1 triệu người. Mâu thuẫn trong bản thân vấn đề việc làm vừa là vấn đề kinh tế xã hội cơ bản lâu dài có tính chiến lược, lại vừa là vấn đề cấp bách trước mắt như đối tượng thanh niên mới lớn, lao động thôi việc từ khu vực Nhà nước, bộ đội xuất ngũ, gia đình chính sách xã hội… Không giải quyết được vấn đề việc làm thì sẽ nảy sinh các vấn đề xã hội trầm trọng dẫn đến mất an toàn xã hội, thậm chí mất ổn định chính trị.

Chính từ những mâu thuẫn trên chúng ta thấy việc phát triển xuất khẩu lao động như là một trong các hướng giải quyết việc làm, có tầm quan trọng to lớn và cần thiết đối với đất nước ta hiện nay.