Thị trường trong nước đối với xuất khẩu lao động

0
714

Xuất khẩu lao động hướng mạnh tới thị trường thu nhập cao. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động đang bắt đầu năm 2008 với hàng loạt kế hoạch đầu tư bài bản hơn nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng hơn cho thị trường lao động có thu nhập cao ở nước ngoài. Bên cạnh các thị trường truyền thống đang giải quyết nhiều công ăn việc làm cho lao động nước ta như Malaysia, Trung Đông… Xuất khẩu lao động sẽ hướng mạnh vào các thị trường lao động có thu nhập cao trong năm tới. Hiện nay, đã có những bước khởi động rất tốt tại các thị trường này trong năm 2007. Cụ thể, gần đây các doanh nghiệp đã đưa được những thợ có tay nghề cao như thợ hàn, thợ sơn, đầu bếp sang Australia làm việc. Đây là bước chuyển đổi quan trọng của các doanh nghiệp từ chỗ chạy theo số lượng sang thời kỳ tìm kiếm thị trường có thu nhập cao nhưng trình độ cũng phải cao. Một vấn đề cũng đang đặt ra cho thị trường XKLĐ hiện nay là lao động Việt Nam khó tiếp cận những thị trường lao động thu nhập cao và đang cần nhiều lao động ngoài nước. Mặc dù các doanh nghiệp XKLĐ đã thâm nhập nhiều năm vào các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng số lao động có nhu cầu đi vẫn rất lớn và số lao động được tuyển chọn sang các nước này lại quá ít. Còn những thị trường mới như Mỹ, Canada, Australia, Síp, Cộng hòa Czech… thì lao động Việt Nam lại rất khó tiếp cận do trình độ hạn chế. Việc Chính phủ Hàn Quốc dừng thực hiện chương trình tiếp nhận lao động dưới hình thức tu nghiệp sinh công nghiệp, vì vậy lao động Việt Nam sang làm việc tại nước này chỉ được thực hiện theo chương trình tiếp nhận lao động nước ngoài do Bộ Lao động Hàn Quốc và Bộ LĐTB&XH Việt Nam phối hợp. Nhưng số lượng lao động được tiếp nhận có hạn (mỗi năm chừng 10 ngàn người), trong khi lại có quá nhiều nhu cầu. Với thị trường Czech, từ đầu năm 2007, Bộ chỉ đạo mở lại thị trường để thí điểm đưa lao động đi. Đến nay mới đưa được khoảng 400 lao động. Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước thì cho rằng: Phần lớn những thị trường lao động thu nhập cao đều có những quy định khắt khe riêng, đặc biệt là về trình độ tay nghề và ngoại ngữ. Như muốn vào thị trường Canada, các doanh nghiệp XKLĐ của Việt Nam phải phối hợp với phía bạn đào tạo nghề để họ cấp chứng chỉ rồi mới được cấp visa. Ngoài ra, ngoại ngữ vẫn là rào cản lớn nhất cho các lao động phổ thông. Để trúng tuyển các kỳ phỏng vấn sang Canada, Australia, Mỹ…, người lao động phải nói được tiếng Anh lưu loát… Trong năm 2008, ngoài việc triển khai các giải pháp nâng cao trình độ cho người lao động, Cục sẽ có định hướng để các doanh nghiệp “mặn mà” hơn với các thị trường khó tuyển lao động này.