Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động không ngừng tăng lên về cả số lượng và chất lượng. Theo thông tin từ Hiệp Hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (trang thông tin điện tử – Bộ lao động – Thương binh và xã hội ngày 20/2/2008), trong năm 2007, Hiệp hội biểu dương 19 doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó công ty AIC đã xuất khẩu trên 5.000 lao động, còn lại các công ty khác đã đưa được hơn 1.000 lao động / năm như các công ty TRAENCO, công ty TTLC…Đạt được kết quả trên, những công ty này, trong năm phải vượt qua rất nhiều khó khăn như thị trường lao động cạnh tranh gay gắt, nguồn tuyển lao động khan hiếm, đã góp phần cùng 150 doanh nghiệp xuất khẩu lao động của cả nước đưa được hơn 85 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong năm 2007, Trung tâm Lao động Ngoài nước đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Bộ giao về công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đây là năm thứ hai Trung tâm phối hợp với phía Hàn Quốc tổ chức thành công 2 đợt kiểm tra tiếng Hàn cho hơn 16 nghìn lao động; phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương hướng dẫn người lao động thi đạt chứng chỉ làm hồ sơ dự tuyển và gửi hồ sơ qua mạng để chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn. Tính đến ngày 31/12/2007, Trung tâm đã đưa được 10.490 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc (tăng gần 5000 người so với năm 2006 và là con số cao nhất trong 4 năm thực hiện Chương trình EPS), đưa Việt Nam trở thành nước có tỷ lệ lao động được chọn và số lượng người đi làm việc tại Hàn Quốc lớn nhất trong 10 quốc gia phái cử (năm 2007, các nước Thái Lan, Philippin chỉ đưa đi được trên 5000 lao động). Chất lượng lao động được tuyển chọn cơ bản đáp ứng được yêu cầu về tiếng Hàn và tay nghề, tạo được uy tín đối với chủ sử dụng lao động trong những năm tới. Ngoài ra, đơn vị còn chủ trì, phối hợp với Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc và Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ tổ chức 4 đợt kiểm tra tay nghề, thể lực và phỏng vấn cho 1046 lao động trong ngành xây dựng, trong đó có 465 người đã được lựa chọn ký hợp đồng trực tiếp với chủ sử dụng lao động. Cũng trong năm qua, Trung tâm đã tổ chức 248 lớp học giáo dục định hướng cho 9867 lao động. Việc giáo dục định hướng được tổ chức ở 3 miền Bắc, Trung, Nam đã giúp người lao động giảm chi phí đi lại trong thời gian đào tạo và tiếp tục củng cố tiếng Hàn trong thời gian chờ xuất cảnh, nâng cao nhận thức của người lao động trước khi sang làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh công tác tuyển chọn và đưa lao động sang Hàn Quốc, Trung tâm cũng phối hợp với Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, Hiệp hội Phát triển nhân lực quốc tế các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản (IMM Japan) tổ chức tốt việc tuyển chọn và đào tạo cho tu nghiệp sinh Việt Nam sang Nhật Bản theo Bản Ghi nhớ giữa Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Chủ tịch IMM Japan ngày 11/10/2005. Nhờ đó, trong năm đã đưa được 138 tu nghiệp sinh sang Nhật Bản theo chương trình này, được phía bạn đánh giá cao, tạo cơ sở mở rộng chương trình với quy mô và số lượng lớn hơn (riêng năm 2008, chỉ tiêu Nhật Bản dành cho Việt Nam khoảng 350 tu nghiệp sinh). Ngoài ra, Trung tâm cũng tiếp tục thực hiện việc tiếp nhận thẩm định và xác nhận cho gần 7000 lao động đi làm việc tại Đài Loan theo hợp đồng thứ hai. Trung tâm cũng tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu công tác; tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng đến các cơ quan chức năng và người lao động về Chương trình EPS, cảnh báo kịp thời những hành vi cò mồi, môi giới, lừa đảo người lao động. Năm 2008, Trung tâm Lao động Ngoài nước sẽ tập trung thực hiện tốt công tác tuyển chọn lao động; chú trọng công tác đào tạo, giáo dục định hướng nhằm nâng cao chất lượng lao động và tu nghiệp sinh; đơn giản hoá thủ tục và rút ngắn thời gian chờ xuất cảnh; phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc để quản lý người lao động; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quản lý tài chính, tăng cường công tác kiểm tra và kiện toàn tổ chức bộ máy.